Giữ lấy hương xuân

Print Friendly, PDF & Email
Print Friendly, PDF & Email

Xuân về! Ta nghe hơi thở của đất trời đang bắt đầu có thêm những màu sắc tươi non, tràn đầy phong vị đậm đà của những ngày giáp tết. Tết mỗi năm mỗi khác, vậy mà lạ lùng thay, có một thứ không bao giờ mất, cũng chẳng thay đổi nhiều, đó là nếp sinh hoạt tết.

Ngày đưa ông táo về trời cũng thường là lúc chợ hoa được bày ra. Đi chợ hoa có lẽ đã trở thành niềm háo hức của mỗi người khi tết đến xuân về. Người ta đi chợ hoa không chỉ để mua hoa, ngắm hoa mà còn để cảm nhận không khí của một mùa xuân mới đang gõ cửa. Nào là mai, lan, cúc, trúc, nào là những chậu bonsai cảnh chưng tết…, tất cả đang chuẩn bị nở bung những nụ mới chào đón xuân về. Sự hiện diện của các loài hoa càng làm cho mùa xuân thêm phần ý nghĩa, thể hiện sự ấm cúng, chan

hòa và thiêng liêng giữa thời khắc giao mùa. Rộn ràng đón tết, ai nấy cũng tìm mua cho gia đình một loài hoa, cây cảnh thật ưng ý để đưa về nhà, để hương sắc mùa xuân trong ngôi nhà của mình thêm phần ấm cúng.

28 tết, làng xóm chộn rộn sửa sang nhà cửa, gói bánh, làm mứt. Dù có thể không ngon, không đẹp như ở chợ nhưng lòng thành đối với ông bà tổ tiên phải được thể hiện bằng công sức. Làm bánh mứt cho ba ngày tết cũng là dịp các má, các chị thể hiện đức tính đảm đang của người phụ nữ. Các má tụ họp thành một nhóm để gói bánh tét vần đổi công. Các chị, các em cũng họp nhóm làm mứt dừa, mứt bí, nướng bánh bông lan… Vui lắm! Chái bếp cứ rộn ràng tiếng vui cười của các má, các chị. Cứ mỗi lần tết đến, bất cứ nơi đâu trên mảnh đất cong cong hình chữ S hiền hòa, nhà nào cũng có vài đòn bánh tét để dùng trong mấy ngày tết và làm quà xuân gửi tặng họ hàng, bè bạn. Nhất là ở những miền quê, chiều 29, 30 tết mà nhà nào không có nồi bánh tét thì coi như chưa có tết. Khi công việc chuẩn bị cho việc gói bánh đã sửa soạn xong, mọi người trong gia đình quây quần bắt tay vào việc gói bánh. Chị em người lau lá, người đổ nếp và cho nhân đậu cùng thịt heo vào làm nhân, người thì ngồi vòng ngoài chờ cột lạt. Trong lúc quây quần gói bánh mới cảm nhận những câu chuyện được trao đổi xung quanh là những điều thuộc về công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ.

 

Chiều 30 tết, nhà nào cũng bày mâm cỗ để cúng rước ông bà. Đối với mọi người, tết là dịp để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ đã quá cố. Bàn thờ là tâm điểm để trang hoàng bài trí, nơi tục lạy ông bà đêm giao thừa. Chiều 30 tết đến gần giao thừa, con cái tề tựu đông đủ, thay đồ mới rồi bày bánh mứt, nước trà mà lạy bàn thờ để trả nghĩa gia tiên. Nhiều nơi, tập quán “mồng một tết cha” vẫn là một nét đẹp văn hóa còn giữ đến ngày hôm nay. Sáng mồng một, con cái cưới vợ gả chồng ở xa lại về nhà để thắp hương mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Tết về làm cho mối quan hệ gia đình, dòng họ ngày càng thắt chặt. Láng giềng lấy lễ đãi nhau nên tình lãng nghĩa xóm cũng tốt đẹp hơn. Đó chính là truyền thống văn hóa đã được nuôi dưỡng, truyền từ đời này sang đời khác.

Chính những hương vị quê nhà mang đầy chất tinh thần như vậy mới làm cho ngày tết trở nên ý nghĩa hơn. Bởi vật chất của tết thì có nhiều, khi nào cũng có. Chỉ có cái hương, cái hoa… của ngày xuân thì không phải lúc nào cũng có.

Ánh Nguyệt

Những tin mới hơn

Scroll to Top