Nét đẹp thư pháp ngày xuân

Nét đẹp thư pháp ngày xuân

       Cứ mỗi dịp tết đến, Xuân về, trên những nẻo đường du xuân, hình ảnh những ông đồ trong bộ áo dài, khăn đóng, bày biện chiếu hoa cùng giấy mực, nghiên bút để “cho chữ” đã trở nên thân quen và là nét đẹp văn hóa của người Việt. Thư pháp, một thú chơi tao nhã đang ngày càng thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, không chỉ ở lớp người cao tuổi hoặc trung niên mà cả thanh niên, cho thấy văn hóa dân tộc đã và đang được gìn giữu, phát huy.

Nghệ thuật thư pháp là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc

       Thư pháp không chỉ là thú vui tao nhã, mà còn là nghệ thuật độc đáo, có thể gửi gắm nỗi niềm, tâm tình của con người. Nét đẹp văn hóa “Xin chữ – cho chữ” đầu năm là để cầu mong may mắn, chứa đựng những ước vọng về một năm mới thuận hòa, bình an và những điều tốt đẹp đến với mỗi người, mỗi gia đình. Nghệ thuật viết thư pháp với việc sử dụng cọ lông, mực tàu, giấy và nghiên mài mực để những con chữ, câu thơ, tục ngữ… được các ông đồ thể hiện sự sáng tạo, biến hoá, phóng khoáng những vẫn giữ nguyên được những quy tắc truyền thống với những nét thanh, nét đậm, những nét chấm, phẩy, ngang… uốn lượn, thanh thoát, nhẹ nhàng và rất cẩn trọng trong từng nét chữ đầy tính nghệ thuật. Dưới nét bút tài hoa, phóng khoáng của người viết, ngững con chữ vốn dĩ rất mộc mạc trở nên có hồn hơn, đẹp tựa “rồng bay, phụng múa”. Cũng vì lẽ đó, thư pháp được xem là nghệ thuật viết chữ đẹp của người xưa được gìn giữ và lưu truyền đến tận bây giờ. Và vì thế, mỗi chữ của ông đồ viết ra là cả một nghệ thuật vẽ chữ mang phong cách riêng, hồn cốt riêng.

Những bức thư pháp của ông đồ trẻ Văn Công Phú thu hút nhiều người dân đến xem và xin chữ

       Ngày nay, thư pháp đang trở nên phổ biến hơn, không chỉ ở những ông đồ mê chữ, cho chữ, mà rất nhiều bạn trẻ cũng là những nghệ sỹ tài ba của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Tìm đến với nghệ thuật thư pháp vào mỗi dịp đầu xuân không chỉ là cách để tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn góp cho hương sắc của ngày xuân càng thêm đậm đà. Ông đồ trẻ Văn Công Phú (SN 1996, phường Nguyễn văn Cừ, TP Quy Nhơn), người đã có hơn 10 năm gắn bó với thư pháp cho biết: Từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường đã rất say mê với những nét chữ thư pháp và quyết tâm theo đuổi đam mê trở thành “ông đồ”. Vượt qua những khó khăn bước đầu “nhập môn”, đến nay anh đã thể hiện những bức thư pháp khá thành công. Ngoài ra, anh còn kết hợp giữa chữ thư pháp với vẽ tranh, với mong muốn tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo, mang dấu ấn riêng của bản thân.

       Có thể nói, quý trọng con chữ là điểm chung mà người xin chữ và cho chữ gặp nhau. Từ đó, cứ đến hẹn lại lên, họ lại gặp nhau để cùng bàn luận về con chữ, về điều bản thân gửi gắm những ước nguyện được thể hiện qua từng con chữ. Người xin chữ thường ở mọi lứa tuổi, lĩnh vực, ngành nghề. Mỗi chữ được cho ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang theo những mong ước về những điều tốt đẹp trong năm mới. Người xưa thường xin câu đối về treo trong nhà. Và bây giờ, ngoài những câu đối, có người chỉ xin một hoặc vài ba chữ mà bản thân tâm đắc. Và thường là xin các chữ Phúc, Lộc, Thọ, An Khang để cầu mong gia đình bình an. Người kinh doanh thì xin chữ Tài, Lộc, Phát, “Vạn sự như ý” với mong muốn công việc kinh doanh phát tài phát lộc. Người trẻ thường xin các chữ Nhẫn, Trí, Tâm như tự nhắc nhở bản thân nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, không ngừng phấn đấu để đạt các mục tiêu đề ra… Cũng có người nhờ ông đồ phác họa trên giấy câu thơ, câu tục ngữ có ý nghĩa để trang trí cho ngôi nhà thêm phần sinh khí mới, vừa là thể hiện ước vọng về một năm mới bình yên, thuận lợi và may mắn.

       Chị Nguyễn Thị Hồng (55 tuổi, khu phố 5, phường Nhơn Phú) chia sẻ: Hình ảnh mực tàu giấy đỏ vào mỗi dịp tết luôn là nét đẹp văn hoá trong lòng mỗi người. Và thường vào dịp đầu năm, chị thường ghé góc chiếu của ông đồ để xin chữ mang về treo trong nhà với mong ước những điều tốt đẹp sẽ đến gia đình trong năm mới. Đồng thời, nhắc nhở các con giữ gìn tập tục văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua nghệ thuật thư pháp.

        Ngày xuân, hòa vào dòng người xuôi ngược du xuân, hành hương, lẩn khuất trong sắc hồng của những cánh hoa đào e ấp sắc Xuân, vẫn thấy hình ảnh thân quen của những ông đồ với nét chữ thư pháp tài hoa, bởi lẽ, hồn dân tộc vẫn mãi đậm đà trong tập tục văn hoá đẹp…

 Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

   Bày mực Tàu giấy đỏ

          Bên phố đông người qua…

Ánh  Nguyệt

Những tin mới hơn

Scroll to Top