Sáng ngày 14/9, LĐLĐ thành phố Quy Nhơn tổ chức “Hội thảo biên soạn lịch sử phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn thành phố Quy Nhơn (giai đoạn 1930 – 2015) lần thứ 2. Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Ngọc Anh – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; các đồng chí lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng Thành ủy; Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố cùng các đồng chí lãnh đạo và cán bộ chuyên trách công đoàn thành phố qua các thời kỳ.
Đ/c Nguyễn Ngọc Tiến – Chủ tịch LĐLĐ thành phố Quy Nhơn
Chủ trì Hội thảo biên soạn Lịch sử
Việc biên soạn “Lịch sử phong trào CNVCLĐ và công đoàn thành phố Quy Nhơn” nhằm ghi lại quá trình hình thành và phát triển của đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức công đoàn thành phố Quy Nhơn qua các giai đoạn cách mạng; hướng đến chào mừng Đại hội IX Công đoàn thành phố Quy Nhơn. Đây là công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thực tiễn, góp phần giáo dục truyền thống của Đảng, của dân tộc và tổ chức công đoàn; củng cố niềm tin, tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động của đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động và các cấp công đoàn thành phố.
Theo dự thảo lịch sử lần hai, tập sách ngoài phần giới thiệu mở đầu, kết luận còn có 6 chương: Chương mở đầu: Thành phố Quy Nhơn – Mảnh đất, con người và truyền thống yêu nước; Chương I: Sự hình thành và phong trào công nhân lao động Quy Nhơn (1930 – 1945); Chương II: Công đoàn Quy Nhơn trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954); Chương III: Công đoàn Quy Nhơn trong kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975); Chương IV: Phong trào công nhân và hoạt động công đoàn Quy Nhơn trong giai đoạn 1975 – 1988; Chương V: Phong trào công nhân và hoạt động công đoàn Quy Nhơn trong giai đoạn 1988 – 2015. Dự kiến, tập sách sẽ được phát hành và ra mắt giới thiệu tháng 11/2016.
Đ/c Nguyễn Thị Thanh Huyền – Nguyên UVBTV LĐLĐ thành phố ( Khóa I )
Phát biểu tham gia ý kiến dự thảo lịch sử
Đ/c Võ Thượng Lân – Nguyên Chủ tịch LĐLĐ thành phố Quy Nhơn ( Khóa VI và VII )
Phát biểu tham gia ý kiến dự thảo lịch sử
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc biên soạn cuốn “Lịch sử phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn thành phố Quy Nhơn (giai đoạn 1930 – 2015)” là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức sưu tầm tài liệu, nghiên cứu và biên soạn, cần khắc phục khó khăn do tài liệu phần nào bị thất lạc, nhiều nhân chứng lịch sử qua các thời kỳ cách mạng đã già yếu, không còn nữa; tập sách cần tập hợp tương đối đầy đủ các tư liệu do cấp ủy, chính quyền, tổ chức công đoàn các cấp, các đồng chí lãnh đạo và nhân chứng qua các thời kỳ cung cấp. Những tư liệu này phải đảm bảo tính chính xác, trung thực và khách quan.
Cán bộ công đoàn chuyên trách qua các thời kỳ
Các đại biểu cũng thảo luận, làm rõ những nội dung cơ bản sẽ được trình bày trong cuốn sách. Trong đó, khái quát được sự hình thành, quá trình phát triển và đấu tranh cách mạng vẻ vang kể từ khi đội ngũ công nhân lao động và công đoàn Quy Nhơn được thành lập đến nay; phương hướng phát triển của phong trào công nhân lao động và công đoàn thành phố trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Đồng thời, đề nghị Ban biên soạn điều chỉnh các chương, các mốc thời gian sao cho phù hợp, đảm bảo tính khoa học.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến – Chủ tịch LĐLĐ thành phố Quy Nhơn, Trưởng ban Ban chỉ đạo biên soạn lịch sử đã ghi nhận, biểu dương kết quả bước đầu của Ban biên soạn và tổ biên tập lịch sử; đồng thời yêu cầu dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Quy Nhơn và Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Bình Định, Ban biên soạn cần tiếp thu những ý kiến đóng góp để điều chỉnh tập sách cho phù hợp; bày tỏ mong muốn các đại biểu, các nhân chứng lịch sử tiếp tục gửi ý kiến góp ý hoàn chỉnh bản dự thảo lịch sử để đăng ký thẩm định và xuất bản tập sách đạt chất lượng.
Ánh Nguyệt