Du xuân là một nét đẹp văn hóa trong tâm thức của người dân Việt từ xưa đến nay. Vào những ngày tiết trời mát dịu, muôn hoa khoe sắc, những chùm nắng vàng trở nên ấm áp hơn, lòng người cũng nô nức hoan ca đón chào mùa Xuân. Xuân đem đến cho mọi người một sức sống mới, thắp lên những niềm vui của ngày đoàn tụ, sum vầy, khởi đầu cho những khát khao, hy vọng và cả những ước mơ tốt đẹp.
Tạm gác những lo toan, bộn bề, người người, nhà nhà cùng nhau du xuân, tâm thế hoan hỉ, vui tươi, tận hưởng sự giao hòa của đất trời, vẻ đẹp của mùa Xuân, cùng ước nguyện đón chào một năm mới rực rỡ, nhiều điều may mắn và tốt đẹp trong năm mới.
Du xuân đi chơi vào dịp xuân về, khi mọi người đi hái lộc đầu năm. Vì thế, từ giờ phút giao thừa, mọi người hân hoan đi hái lộc, rồi đi lễ cha mẹ, lễ thầy cô, lễ chùa, dự hội xuân, tham gia thưởng ngoạn phong cảnh, các hoạt động lễ hội mùa xuân hoặc khám phá những trải nghiệm mới vào dịp đầu năm là những giờ phút du xuân ý nghĩa.
Đầu năm mới, truyền thống “Mùng 1 Tết cha, mùng 3 Tết thầy” là một phong tục truyền thống lâu đời của người Việt, mang đậm giá trị văn hóa hiếu thảo và tri ân đối với các bậc sinh thành và thầy cô. Tết là thời điểm đặc biệt ý nghĩa để con cháu bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ và tri ân đến ông bà tổ tiên, cha mẹ, mà còn là dịp để gia đình sum vầy, đoàn tụ, kết nối các thế hệ. Việc chúc Tết cha mẹ, thầy cô giáo đã trở thành đạo lý chúc tụng, tỏ lòng thành kính, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo.
Du xuân – là đi chùa vãn cảnh, xin lộc đầu năm, không chỉ là cầu nguyện cho sự bình an, hạnh phúc của gia đình, người thân và bạn bè, mà còn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc, vãn cảnh những nơi linh thiêng, thanh tịnh trong tiết xuân. Đầu năm đến chùa để cầu nguyện bình an, may mắn chính là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Việt.
Mùa Xuân về, trăm hoa khoe sắc thắm thoảng đưa hương, cây cối được phủ một màu xanh của những lộc non mới nhú, tràn đầy nhựa sống khiến cho lòng người càng thêm yêu cuộc sống. Những mầm xanh vươn vai trở dậy, những chồi nụ cựa mình bung nở, đường phố giăng giăng ngập tràn trong những sắc hoa lung linh. Không gian tràn ngập hơi thở nồng nàn của xuân… Tất cả như là giao ước của đất trời và của lòng người. Du xuân, tận hưởng vẻ đẹp của đất trời, tận hưởng không khí mùa xuân ấm áp, ngắm nhìn vạn vật nảy nở, sinh sôi, lòng thấy bình yên và yêu đời quá đỗi, chào mùa xuân…
Du xuân còn là đi trẩy hội. Tạị Bình Định, nhiều hoạt động được tổ chức để phục vụ nhân dân và du khách, như: tỉnh tổ chức chương trình Đêm võ đài Bình Định; Hội thơ Nguyên tiêu Bình Định tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành; Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – 2025) tại huyện Tây Sơn; thành phố Quy Nhơn tổ chức Lễ khai ấn, ban ấn Đền thờ Đức Thánh Trần; “Hội đánh Bài chòi dân gian”; biểu diễn “Võ Bình Định với Cờ người”…; huyện Tuy Phước có hội đua thuyền trên sông Gò Bồi, lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn; huyện Phù Mỹ có Giải đua thuyền truyền thống trên đầm Trà Ổ; huyện Vĩnh Thạnh tổ chức ngày hội hoa đào với chủ đề “Sắc xuân hoa đào kết nối văn hóa”…
Du xuân là mét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, mang đến sự vui tươi, hạnh phúc và lòng biết ơn; những niềm vui, những thành công mới và những hy vọng về một năm mới rộn ràng, hạnh phúc và thật nhiều may mắn. Du xuân không chỉ mang đến niềm vui và sự gắn kết gia đình, cộng đồng mà còn là dịp để mọi người, mọi nhà kết nối với nguồn gốc và truyền thống văn hóa của dân tộc.
Lai Xuân