Ngày 8/3, LĐLĐ thành phố Quy Nhơn tổ chức gặp mặt, giao lưu và tham quan di tích cho nữ Ban Chấp hành, Ban Nữ công LĐLĐ thành phố nhân kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (8/3/1910-8/3/2023) và 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa, bày tỏ sự biết ơn trước những đóng góp to lớn cho cách mạng của tập thể Nữ tù binh tại Di tích lịch sử Trại giam Nữ tù binh Phù Tài (TP Quy Nhơn). Ðây là trại giam nữ tù binh duy nhất ở Việt Nam, là nơi minh chứng cho ý chí kiên cường, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Hoạt động từ tháng 6.1967 – 5.1972, Trại giam nữ tù binh Phú Tài do Mỹ – ngụy dựng lên đã giam giữ khoảng 1.000 tù binh nữ cách mạng. Trong cuộc đấu tranh này, các nữ tù binh đã chịu tổn thất to lớn về sức khỏe và cả tính mạng, có 8 nữ tù đã anh dũng hy sinh. Sau khi Hiệp định Paris ngày 27.1.1973 được ký kết, ngày 15.2.1973, hơn 900 nữ tù binh Trại giam Phú Tài được trao trả.
Lễ dâng hương Di tích lịch sử Trại giam Nữ tù binh Phù Tài
Đoàn cũng đã đến tham quan, tìm hiểu công trình kiến trúc cổ Tiểu chủng viện Làng Sông (huyện Tuy Phước), được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Đây cũng là một vùng đất có nhiều gắn bó với việc ra đời và phát triển chữ Quốc ngữ, là nơi phôi phai chữ Quốc ngữ (1618 – 1622) và là một trong ba trung tâm truyền bá chữ Quốc ngữ, văn học Quốc ngữ ở Việt Nam.
Tham quanTiểu chủng viện Làng Sông
Dịp này, LĐLĐ thành phố đã ôn lại lịch sử, truyền thống ngày Quốc tế Phụ nữ và truyền thống khởi nghĩa Hai Bà Trưng; trao đổi, chia sẻ về hoạt động công đoàn và phong trào nữ CNVCLĐ thành phố Quy Nhơn. Qua đó, khơi dậy hơn nữa lòng tự hào dân tộc, phát huy năng lực, sự nhiệt huyết của cán bộ công đoàn đối với hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ thành phố, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Đoàn cũng đã chọn trang phục áo dài để hưởng ứng Tuần lễ Áo dài Việt Nam, góp phần giữ gìn, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài, vị thế và tầm quan trọng của áo dài trong đời sống của phụ nữ Việt.
Ánh Nguyệt