Xã hội càng phát triển, việc tìm về những nét văn hóa truyền thống đặc sắc càng trở nên cần thiết. Tìm đến với nghệ thuật thư pháp vào mỗi độ xuân về là góp phần tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời cảm nhận phong vị ngày Xuân thật đậm đà, ý nghĩa.
Thư pháp là một loại hình nghệ thuật không còn xa lạ đối với công chúng. Thú vui tao nhã này ngày càng thu hút đông đảo người tham gia, không chỉ ở lớp người cao tuổi như trước đây mà thanh niên ngày nay cũng yêu thích viết thư pháp và thưởng ngọn sự tài hoa của nghệ thuật thư pháp. Nhất là khi Tết đến, cuộc “hành hương” tìm về với cội nguồn truyền thống văn hóa dân tộc lại càng có ý nghĩa nhân văn cao cả hơn. Thư pháp ở Việt Nam bao gồm có 2 dòng chính: thư pháp Hán-Nôm và thư pháp Việt. Về cơ bản, hình thức trình bày, bố cục đều tương tự như nhau; còn nội dung thể hiện trên bức thư pháp thường là những tư tưởng đạo đức nhân văn, lời hay ý đẹp, những câu đối hay…
Vào dịp lễ Tết, thư pháp với việc “xin chữ” và “cho chữ” là một thú chơi Xuân trí tuệ và tao nhã. Thời xưa, ông cha ta ngoài việc lo bàn thờ tổ tiên có đầy đủ hương đèn, hoa quả thì còn phải lo sắm vài ba câu đối có chữ như “phượng múa rồng bay” để treo trong nhà mừng năm mới, với hàm ý là cầu xin hồng phúc, mọi sự tốt đẹp và may mắn… Thường thì người đi “xin chữ” cần tấm lòng thành, người “cho chữ” phải thoải mái về tinh thần, nét bút bay bướm tài hoa, có thần thái ung dung tự tại, động tác khoan thai, từ tốn nhưng lại đầy uy lực… Có như vậy thì mới tạo nên một “tác phẩm” có hồn, ẩn chứa thần khí lấp lánh phía sau từng con chữ.
Các ông đồ giao lưu viết thư pháp nhân dịp cổ truyền của dân tộc
Trong không khí rộn ràng của đất trời vào Xuân, viết thư pháp và thưởng ngoạn nghệ thuật thư pháp là một nét đẹp trong bản sắc văn hóa đậm đà tính dân tộc. Dù đất nước đã bước vào giai đoạn đổi mới và phát triển, song truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, để mỗi chúng ta lại tự hào hơn khi:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua…”
Ánh Nguyệt