Cảm xúc mùa xuân trong âm nhạc

Cảm xúc mùa xuân trong âm nhạc

Print Friendly, PDF & Email
Print Friendly, PDF & Email

Với mỗi một dân tộc, ngày Tết cổ truyền có ý nghĩa thật đặc biệt, bởi nó ẩn chứa những nét đẹp văn hóa, truyền thống của dân tộc, mà trong đó, âm nhạc là một phần không thể thiếu. Trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, thì mùa Xuân khởi nguồn của sự sống, là kết tinh của những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất được khai mở trong một năm mới. Và đó cũng là mạch nguồn khơi gợi cảm xúc sáng tạo của các văn nghệ sĩ.

Và có hàng ngàn bài hát về mùa xuân trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Những khúc ca xuân ấy mãi ngợi ca mùa xuân tươi đẹp của đất trời, mùa xuân trong lòng mỗi con người Việt Nam. Những khúc ca ấy cũng sẽ mãi đem lại cảm xúc

tươi mới cho người nghe, góp thêm vào vườn xuân âm nhạc Việt Nam, khơi gợi những xúc cảm trước mùa xuân – một đề tài không bao giờ cạn. Mùa xuân là khởi đầu của mọi vật. Mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, để rồi phủ một màu xanh non mơn man trên những cành cây khẳng khiu vừa phải traỉ qua một mùa đông giá rét. Mùa xuân về, gợi bao cảm xúc cho sáng tạo nghệ thuật. Và những nét nhạc chợt vút lên, những khúc hát mùa xuân lại ngân nga trong không gian, trong lòng mỗi con người.Hầu như nhạc sĩ nào trong đời sáng tác của mình cũng ít nhất có một bài hát về mùa xuân.

Trước mỗi sự kiện lớn của dân tộc, những nhạc sĩ tài hoa đã có nhiều cung bậc cảm xúc trong sáng tác nghệ thuật. Với nhạc sĩ Xuân Hồng, ca khúc Xuân chiến khu, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là 2 ca khúc với 2 tính chất phong cách khác hẳn nhau. Một bài nói đến mùa xuân nơi chiến khu, khi cuộc kháng chiến còn cam go, gian khổ nhưng giai điệu vẫn rất vui tươi, hồn nhiên trong sáng:“Mùa xuân về trong chiến khu, tiếng chim rừng vang hót líu lo…cúc cucúc cu, chim hót mừng mùa xuân thắng lợi…”.Còn mộtbài nói về mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh đã được giải phóng, đã quét sạch bóng quân thù mà nghe lại thấy bùi ngùi, bồi hồi. Cũng dễ hiểu bởi đây là niềm vui quá lớn, quá bất ngờ, như trong mơ, vui mà cảm động đến rơi nước mắt, lòng người phơi phới hoan ca: “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh. Ôi đẹp biết bao, biết mấy tự hào. Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào. Cờ sao đang tung bay cao, qua hết rồi những năm thương đau, xa ba mươi năm nay mới gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào…”. Khi đất nước được trọn vẹn độc lập tự do, lãnh thổ được thống nhất, trongMùa xuân đầu tiên, nhạc sĩ Văn Cao đã viết:“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về, mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông,một tia nắng vui cho bao tâm hồn”.Mùa xuân đầu tiên là sự nối tiếp của lịch sử, là kết quả của hàng nghìn năm truyền thống đánh giặc giữ nước. Mùa xuân 1976 – mùa xuân đầu tiên trong lịch sử, dân tộc Việt Nam mới được trọn vẹn độc lập, tự do, thống nhất. Nhờ đó mà “Người biết quê người, người biết thương người, người biết yêu người”... Đến nay, những giai điệu dìu dặt, khoan thai theo đàn chim én bay trong bài hát vẫn làm ấm lòng người nghe khi Tết đến, xuân về.

Sớm mai đi trên phố, nghe câu intro quen thuộc bài hát Lắng nghe mùa xuân về của nhạc sĩ Dương Thụ từ quán cà phê bên đường mà ngỡ như thấy cả bước chuyển của đất trời vào xuân: “Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường. Mùi hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng. Và em đợi anh đợi anh như đã hẹn. Nghe trong mưa đêm mùa xuân lặng lẽ sang”. Ca khúc đã trở thành một giai điệu đẹp, hiện đại với một mùa xuân tươi trẻ, ấm áp và đầy lãng mạn. “Phải chăng mầm non mùa xuân đang hé nở. Phải chăng nụ hoa mùa xuân đang hé nở. Phải chăng ngày xuân đầu tiên đang gõ cửa. Khi anh trông em ung dung bên thềm nhà. Kìa tiếng chim rộn hót xa vời, cánh hoa đào bỗng như cười, báo tin mùa xuân về!” Mỗi khi đến thời khắc giao mùa, giai điệu ngân vang của khúc Lắng nghe mùa xuân về gợi nhắc người nghe nhớ về ngày sum họp, đoàn viên gia đình.

Vào thời khắc bước sang năm mới, Một mùa xuân nho nhỏ(thơ Thanh Hải) do nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc vang lên làm lòng người bâng khuâng nao nao những ngày Tết đến:“Mùa xuân, mùa xuân! Một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời. Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân tôi xin hát”… Ngôn ngữ âm nhạc thật độc đáo tạo dựng được một hình tượng khiến người nghe cảm thấy bồi hồi xao xuyến. Có lẽ, với một cảnh trí rất đỗi thanh bình của hoa tím, sông xanh, của tiếng chim, sự phấn chấn của lòng người trước như hân hoan, hạnh phúc trước sự thanh bình của quê hương “Nước non ngàn dặm mình. Nước non ngàn dặm tình…”.Bài hátra đời cách đây đã hơn 30 năm với những giai điệu âm nhạc thật đẹp. Từ đó đến nay, mỗi khi mùa xuân về lại có thêm nhiều sáng tác mới, nhưng mỗi lần giai điệu củaMột muà xuân nho nhỏvang lên, ta vẫn thấy nguyên vẹn cảm giác nao nao bồi hồi xao xuyến như lần nghe đầu tiên.Một muà xuân”…tuy“nhỏ”nhưng hiệu quả cảm xúc thẩm mỹ đem lại cho người nghe thì vô cùng mạnh mẽ lớn lao.

Mùa xuân, mùa của đất trời thay áo mới, mùa của vạn vật sinh sôi, mùa của trăm hoa đua nở, mùa của chồi non lộc biếc vươn mình, mùa của lòng người hân hoan, rạo rực trải rộng niềm tin, yêu cuộc đời với bao ước vọng về một năm an lành, hạnh phúc.Mùa Xuân đang tràn về khắp muôn nơi, mang đến cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ  những xúc cảm trào dâng một mạch nguồn nhựa sống. Những rung động ấy đã, đang và sẽ là động lực khơi gợi sức sáng tạo để các nhạc sĩ dâng tặng cho đời những tác phẩm tươi mới về mùa xuân đất nước, mùa xuân tình yêu…

Lai Xuân

Những tin mới hơn

Scroll to Top